Thiểu sản men răng (dental enamel hypoplasia) là bệnh lý nha khoa khá phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh gây ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ, làm giảm chức năng ăn nhai và gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác.
1. Thiểu sản men răng là gì?
Men răng là lớp ngoài cùng của răng, có chức năng bảo vệ răng khỏi các tác nhân gây hại từ bên ngoài.
Thiểu sản men răng là tình trạng men răng hình thành không hoàn toàn hoặc cấu trúc men răng bị lỗi dẫn đến men răng mỏng, yếu, chất lượng kém. Khi men răng bị thiếu hụt, răng sẽ trở nên yếu hơn, dễ bị sâu răng, mẻ, vỡ. Trong một số trường hợp, hiện tượng này chỉ xảy ra trên một phần bề mặt răng, tạo ra các hố hoặc rãnh trên men răng. Tình trạng này có thể xuất hiện dưới dạng đốm trắng, vết ố màu vàng hoặc nâu, rỗ hoặc thậm chí là các phần men răng mỏng, bị sứt mẻ.
2. Dấu hiệu nhận biết tình trạng thiểu sản men răng
Một số dấu hiệu và triệu chứng của thiểu sản men răng bao gồm:
-
Có đốm trắng trên răng
-
Răng dễ bị ố vàng
-
Xuất hiện các rãnh hoặc vết lõm trên bề mặt men răng
-
Răng ngày càng nhạy cảm với nhiệt và axit từ thức ăn, đồ uống khi lớp ngà răng bên dưới lộ ra ngoài
-
Vi khuẩn, mảng bám bám trên răng và xâm nhập dễ dàng hơn
-
Dễ bị sâu răng, tụt nướu hơn khi phần chân răng bị mòn sát tới nướu
-
Đối với trẻ bị thiểu sản men răng, răng sữa của bé thường bị mủn, cụt dần về phía chân răng, dễ bị gãy ngang răng
Răng của trẻ mắc phải bệnh này có thể bị mủn, cụt dần về phía chân răng
3. Nguyên nhân gây ra chứng thiểu sản men răng
Theo các bác sĩ, có 3 nguyên nhân chính gây ra chứng thiểu sản men răng: yếu tố di truyền, những khiếm khuyết trong quá trình phát triển trước khi sinh và yếu tố môi trường. Sự phát triển men răng bị khiếm khuyết có thể là kết quả của chứng rối loạn nha khoa khá hiếm gặp (amelogenesis imperfecta - AI) hoặc thiểu sản men răng bẩm sinh, ước tính có khoản 14.000 người ở Mỹ mắc chứng này. Chứng thiểu sản men răng bẩm sinh có thể diễn ra đơn lẻ hoặc là một phần của hội chứng ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể.
Một số tình trạng di truyền khác có thể gây ra chứng giảm sản men:
-
Hội chứng Usher
-
Hội chứng Seckel
-
Hội chứng Ellis-van Creveld
-
Hội chứng Treacher Collins
-
Hội chứng tai
-
Hội chứng vi mất đoạn 22q11 (hội chứng cơ tim)
-
Hội chứng Heimler
Những vấn đề trước khi sinh gây ra chứng thiểu sản men răng:
Vì men răng của trẻ bắt đầu được hình thành từ trong tử cung nên đôi khi tình trạng thiểu sản men răng có thể phát triển trước khi trẻ được sinh ra. Do vậy, chất lượng thai kì của mẹ cũng là một trong những yếu tố có thể khiến con mắc chứng này:
-
Mẹ bầu thiếu vitamin D
-
Mẹ bầu tăng cân nhanh chóng
-
Mẹ hút thuốc trong quá trình mang thai
-
Mẹ sử dụng ma túy, các chất kích thích
-
Thiếu sự quan tâm, chăm sóc kỹ càng trước khi sinh
-
Trẻ sinh non hoặc nhẹ cân
-
…
Yếu tố môi trường gây ra chứng thiểu sản men răng:
Sau khi sinh ra, có rất nhiều yếu tố môi trường có thể làm tăng nguy cơ trẻ mắc chứng thiểu sản men răng khi lớn lên, bao gồm:
-
Nhiễm trùng hoặc chấn thương trong quá trình hình thành răng: Các chấn thương trong quá trình phát triển răng như va đập, tai nạn … có thể làm tổn thương đến men răng và dẫn đến thiểu sản men răng.
-
Thiếu hụt dinh dưỡng: Thiếu hụt các chất dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển của men răng như canxi, phốt phi, vitamin A, vitamin D, …
-
Vàng da, bệnh gan
-
Tiểu đường: Bệnh tiểu đường có thể làm giảm lưu lượng máu đến các mô trong cơ thể, bao gồm cả răng. Điều này có thể làm giảm sự hấp thu canxi và các khoáng chất khác cần thiết cho sự phát triển của men răng
-
Lạm dụng flour: Việc tiêu thụ một lượng lớn fluor cũng có thể gây ra chứng này - đây là một trong những lí do các bác sĩ khuyến khích phụ huynh giám sát con đánh răng cho đến khi chúng có thể tự làm một mình.
Bệnh tiểu đường có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiểu sản men răng
4. Kết luận
Trên đây là một số kiến thức cơ bản về chứng thiểu sản men răng. Việc nhận biết sớm tình trạng thiểu sản men răng là hết sức cần thiết để có những biện pháp điều trị kịp thời, tránh gây ảnh hưởng lâu dài. Hãy chờ đón bài viết tiếp theo có nội dung về cách phòng ngừa, điều trị kịp thời.